(VnMedia) - Chiều ngày 31/5, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tổ về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu đề xuất, việc kê khai tài sản nên tập trung vào những người giữ vị trí công việc có nguy cơ tham nhũng cao.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho biết, TP. Hà Nội rất coi trọng việc phòng chống tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, trở thành chương trình của cấp ủy. Trong chương trình đó, hàng tháng có giao ban, kiểm định lại và nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
|
Theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, các biện pháp ngăn ngừa chưa được đề cập trong dự thảo. Để có biện pháp ngăn ngừa thì trước hết phải rà soát cơ chế chính sách. Thực tế, Hà Nội đã rà soát quy định, tiêu chuẩn về xe công vụ, lịch công tác của cán bộ lãnh đạo được công khai trên cổng thông tin điện tử để có tác dụng phòng ngừa, chống lãng phí.
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng phải xử lý rất nghiêm đối với các tài sản do tham nhũng mà có, phải thể hiện quan điểm một cách rõ ràng. Một mặt phải xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Mặt khác phải thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với quyền sở hữu tài sản của công dân. Theo ông, hai phương án mà Chính phủ trình đều chưa đáp ứng được yêu cầu ấy.
“Chưa kể, nếu chúng ta tiếp cận theo cách thức này thì vô hình trung, nếu tài sản đó đúng là tài sản do tham nhũng hoặc phạm tội mà có thì chúng ta chỉ thu được 45%, 55% còn lại sẽ lại được hợp pháp hóa thông qua hình thức thu thuế” - ông Tùng đặt vấn đề và lưu ý thêm không biết thế nào là tài sản không giải trình được một cách hợp lý, cơ quan nào là trọng tài xem xét hợp lý hay không hợp lý.